Chiến dịch “Stop Killing Games” đang tạo nên làn sóng tranh luận lớn trong ngành game toàn cầu, hiện đã vượt mốc 1 triệu chữ ký, cùng TinhayVIP tìm hiểu chi tiết về thông tin chiến dịch này ngay bên dưới đây!
Chiến dịch “Stop Killing Games” đã chính thức trở thành biểu tượng cho phong trào đòi lại quyền truy cập công bằng cho người chơi sau khi game bị ngừng hỗ trợ.
Stop Killing Games khởi nguồn từ vụ việc của Ubisoft
Chiến dịch “Stop Killing Games” do YouTuber Ross Scott khởi xướng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng game thủ toàn cầu. Sự phẫn nộ bùng lên sau khi Ubisoft tuyên bố đóng cửa máy chủ của The Crew (game đua xe yêu cầu kết nối internet liên tục) khiến khoảng 12 triệu game thủ mất hoàn toàn quyền truy cập, dù trước đó họ đã bỏ tiền mua bản quyền.
Ross Scott khẳng định, mục tiêu của chiến dịch không phải là buộc các nhà phát hành phải duy trì máy chủ mãi mãi, mà là đảm bảo rằng người chơi có thể tiếp tục truy cập game thông qua các hình thức thay thế hợp lý. Điều này có thể bao gồm chế độ chơi offline hoặc cho phép cộng đồng vận hành máy chủ riêng khi game chính thức bị dừng hỗ trợ.
Scott dẫn chứng bằng ví dụ về tựa game Tribes, vẫn có thể chơi được sau hơn 20 năm nhờ hệ thống máy chủ do cộng đồng xây dựng và duy trì, bất chấp việc nhà phát triển gốc đã rút lui từ lâu.
Nam YouTuber này đặt ra câu hỏi “nếu cộng đồng có thể duy trì game với tài nguyên hạn chế, tại sao các nhà phát hành lớn lại không thể đảm bảo quyền truy cập tối thiểu cho người dùng?”.
Tranh cãi quanh chiến dịch Stop Killing Games
Một trong những điểm gây tranh cãi nhất xoay quanh các điều khoản EULA (một loại hợp đồng pháp lý giữa nhà phát triển phần mềm với người dùng cuối). Theo các điều khoản này, nhà phát hành có thể thu hồi quyền sử dụng trò chơi bất kỳ lúc nào và yêu cầu người dùng gỡ bỏ bản sao khỏi thiết bị của mình.
Điều khoản này đặt ra câu hỏi lớn về khái niệm “sở hữu” trong kỷ nguyên số, nếu người dùng đã mua game, tại sao họ không được quyền giữ lại và sử dụng?
Tổ chức Video Games Europe – đại diện cho nhiều nhà phát hành game tại châu Âu đã phản đối chiến dịch Stop Killing Games, họ cho rằng việc duy trì máy chủ vĩnh viễn là phi thực tế và có thể gây rủi ro bảo mật nếu để cộng đồng tự vận hành máy chủ.
Tuy nhiên, Ross Scott đề xuất một giải pháp dung hòa là miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho nhà phát hành, nếu họ cho phép người chơi tiếp tục truy cập game thông qua hình thức do cộng đồng quản lý.
Về mặt pháp lý, luật sư người Đức Christian Solmecke cho rằng Ubisoft có thể đã vi phạm các quy định tại châu Âu khi thông báo ngừng hỗ trợ game trong thời gian quá ngắn – không đáp ứng yêu cầu tối thiểu về thời hạn thông báo. Ông cũng nhấn mạnh rằng nhiều quốc gia đang thiếu cơ chế pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực nội dung số.
Không chỉ Ubisoft, nhiều nhà phát hành lớn như EA cũng đang áp dụng các điều khoản tương tự. Anthem, một tựa game online vẫn còn cộng đồng người chơi trung thành, dự kiến sẽ bị tắt máy chủ vào đầu năm 2026, đây là một minh chứng rõ nét cho sự bất ổn trong quyền truy cập game đã mua bản quyền.
Chiến dịch “Stop Killing Games” không đơn thuần là phản ứng trước một vụ việc riêng lẻ, mà là lời kêu gọi toàn ngành công nghiệp game cần đánh giá lại cách họ đối xử với người chơi – những người đã đầu tư thời gian, tiền bạc và niềm tin.
Khi quyền truy cập trò chơi bị đặt dưới sự kiểm soát tuyệt đối của các nhà phát hành, ranh giới giữa sở hữu và thuê bao kỹ thuật số ngày càng trở nên mờ nhạt. Trong thời đại số hóa, nơi mà nội dung số chiếm phần lớn đời sống giải trí, những cuộc tranh luận như thế này không chỉ là cần thiết, mà còn mang tính quyết định cho tương lai ngành công nghiệp game.
Theo dõi TinhayVIP để có thể đón đọc các tin tức mới và hot về game hằng ngày!