Trang chủHóngHồ xương người ở Ấn Độ: Bí mật bị chôn vùi gần...

Hồ xương người ở Ấn Độ: Bí mật bị chôn vùi gần 1000 năm dưới lớp băng

Hồ Roopkund không phải là hồ nước lớn nhất hay đẹp nhất của Ấn Độ, nhưng chắc chắn nó là hồ xương người nổi tiếng nhất bởi sự bí ẩn và rùng rợn: Làm thế nào mà 800 bộ xương người xuất hiện tại nơi băng giá, không người qua lại này và nằm yên lặng ở đó suốt gần 1000 năm? 

Bất chấp nhiều nhà khoa học đã vào cuộc để nghiên cứu, những bí mật quanh địa điểm hồ xương người này đến nay vẫn chưa có được một lời giải thích thấu đáo. 

Cùng TinhayVIP khám phá câu chuyện về hồ xương người nổi tiếng của Ấn Độ nhé.

Phát hiện gây rúng động và sự chậm trễ đáng tiếc

Ở cách mặt nước khoảng 5.000 mét sâu trong dãy Trisul, hồ Roopkund thuộc bang Uttarakhand của Ấn Độ, một khu vực không có con người sinh sống. Nếu không có sự xuất hiện của một người kiểm lâm tên H. K. Madhawl, có lẽ bí mật về 800 bộ xương ở đây sẽ vĩnh viễn không được biết tới. 

Trong hành trình thu thập những loại cây quý hiếm, Madhawl đã vô tình tìm ra hồ Roopkund vào năm 1942. Ở thời điểm này, băng quanh hồ đang tan chảy và nước cũng đang rút làm lộ ra đầy rẫy những bộ xương và xác người. 

Theo mô tả, ở thời điểm đó, nhiều bộ xương vẫn còn nguyên phần thịt và đang phồng lên như cao su. Những nhân công khuân vác đi cùng ông lúc đó đều sợ hãi bỏ chạy khi họ nhìn thấy nhiều xác chết có khuôn mặt như đang cười. 

Hồ xương người Roopkund nằm trong dãy Himalaya
Hồ Roopkund nằm sâu trong dãy núi Trisul, với những đỉnh núi cao tới hơn 7000 mét

Trong bối cảnh thông thường, hồ xương người với số lượng xương lớn như vậy sẽ là một phát hiện thu hút không ít nhà nghiên cứu và cánh truyền thông. Tuy nhiên, thời điểm đó tại Ấn Độ đang xảy ra chiến tranh, nên mãi đến năm 1955 đất nước này mới đưa ra thông cáo báo chí chính thức.

Cho đến lúc có những nhóm nghiên cứu chính quy đầu tiên đến với hồ xương người, cấu trúc những bộ xương ở đây đã bị thay đổi. 

Những câu hỏi lớn không có lời đáp 

Sự kỳ lạ của hồ xương người Roopkund không chỉ nằm ở những di cốt dày đặc mà còn ở vị trí hiểm trở của nó: Tọa lạc ở độ cao hơn 5.000 mét giữa dãy Himalaya, một vùng đất lạnh giá và hoang vu quanh năm. 

Hồ nước nhỏ và cạn này chỉ xuất hiện vào khoảng tháng 8 và 9 khi băng tan, còn lại suốt các tháng còn lại đều bị phủ kín bởi băng tuyết.

Điều đặc biệt là khu vực quanh hồ hoàn toàn không có cư dân sinh sống, khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi: Điều gì đã đưa khoảng 800 con người đến nơi hẻo lánh này – và vì sao tất cả họ đều nằm lại vĩnh viễn?

Các phân tích DNA từ một số bộ xương còn nguyên tóc và móng tay cho thấy nguồn gốc di truyền rất khác nhau, thậm chí niên đại cũng không trùng khớp.

Ông Madhwal – người đầu tiên phát hiện ra hồ Roopkund – từng kể rằng ông nhìn thấy nhiều xác chết có vóc dáng cao lớn và dép mang theo có kích cỡ to hơn hẳn những xác chết khác, cho thấy chủ nhân của bộ xương là người có nguồn gốc chủng tộc khác. 

Hồ xương người Roopkund quanh năm băng giá
Có đến 800 bộ xương nằm dày đặc quanh bờ và đáy hồ

Các nghiên cứu về sau trên 38 bộ xương cho thấy chúng thuộc về ba nhóm di truyền riêng biệt: Một nhóm có đặc điểm tương đồng với người Nam Á hiện đại, nhóm thứ hai mang nét di truyền của cư dân vùng Đông Địa Trung Hải, và nhóm còn lại, chỉ gồm 1 bộ xương, có liên hệ với người Đông Nam Á.

Đáng chú ý, kết quả định tuổi bằng carbon phóng xạ cũng xác định rằng các bộ xương này không đến từ cùng một thời điểm: nhóm người Nam Á có niên đại khoảng năm 800 sau Công nguyên, trong khi những nhóm còn lại được xác định từ thế kỷ 19.

Vậy điều gì đã đưa những con người từ ba vùng đất xa xôi đến hội tụ tại cùng một nơi – giữa một hồ nước băng giá trên đỉnh núi cao? Họ có cùng tham gia vào một hành trình hay nghi lễ nào đó? Hay đây là những sự kiện riêng biệt, vô tình cùng để lại dấu tích tại hồ xương người Roopkund?

Cơn giận của nữ thần hay cái chết vì tín ngưỡng? 

Tìm về nguồn gốc tên gọi hồ Roopkund, có một hướng lý giải cho nguồn gốc của những bộ xương tại đây: Đó là sự trừng phạt của nữ thần Nanda Devi đối với sự phạm thượng của một vị vua và đoàn người của ông ta trong vùng đất thiêng. 

Tên gọi ban đầu của hồ xương người Roopkund có nghĩa là hồ phản chiếu, vốn xuất phát từ câu chuyện nữ thần Nanda uống nước ở hồ và nhìn thấy nhan sắc tuyệt trần của chính mình trong làn nước. 

Hồ xương người ở Ấn Độ nằm sâu trong dãy Himalaya
Đây là quang cảnh hồ Roopkund nằm giữa dãy núi Trisul ngập đầy tuyết phủ

Theo những câu chuyện thần thoại này, những bộ xương trong hồ Roopkund có thể chính là xương của nhà vua Jasdhawal của Kannauj và hoàng hậu cùng với đoàn tuỳ tùng khi đến hành hương ở vùng đất này. 

Vì đoàn người đã phạm phải những cấm kị tại vùng đất thiêng như để cho những vũ nữ nhảy múa tại đây, hay việc hoàng hậu sinh con đã khiến máu của nàng làm bẩn nước hồ thiêng, nữ thần đã giáng xuống một cơn mưa đá dữ dội khiến tất cả bị chôn vùi tại đây. 

Hồ xương người Roopkund
Đúng với tên gọi hồ xương người, đây là cảnh tượng rùng rợn được tạo nên từ hàng trăm bộ xương nằm xen kẽ dày đặc

Nanda Devi là phối ngẫu của thần Shiva, vị nữ thần này rất được tôn thờ trong vùng đất quanh hồ Roopkund. Người dân xung quanh đã lấy tên nữ thần để đặt cho những ngọn núi cao chót vót nằm ở phía Đông Bắc của hồ xương người này.

Họ tổ chức nhiều lễ hội lớn để vinh danh Nanda Devi, và những người hành hương cũng bất chấp nguy hiểm để đến xin phước lành tại những ngôi đền trên các đỉnh núi cao chót vót.

Là một phần của Himalaya, ba ngọn núi thuộc dãy Trisul, nơi hồ xương người toạ lạc có độ cao lên đến hơn 7000 mét, và hành trình để lên đến đỉnh những ngọn núi này vô cùng khắc nghiệt.  

Nhiều giả thuyết cho rằng, những bộ xương có niên đại muộn hơn có thể đến từ những người hành hương gặp tai nạn khi cố gắng đến các đỉnh núi để cầu phúc, hoặc đến từ những tín đồ muốn tự hiến mình. 

Tuy nhiên những giả thuyết này chưa thể giải thích được những kết quả nghiên cứu, vốn cho thấy: Có một số lượng lớn bộ xương có cùng niên đại, cho thấy họ có thể đã chết trong cùng 1 sự kiện lớn nào đó. Cho đến nay, không có thông tin lịch sử nào ghi lại được những sự kiện này và nguyên nhân cái chết của hàng loạt con người ở đây. 

Cho đến tận ngày nay, sự ma mị đáng sợ nơi hồ xương người hoang vắng vẫn là yếu tố then chốt thu hút những người ưa mạo hiểm, khám phá đến với địa điểm này. Có lẽ sẽ còn rất lâu trước khi một giả thuyết toàn vẹn được đưa ra để giải thích những bí ẩn nơi đây một cách sâu sắc và thuyết phục. 

spot_img
TIN HOT 🔥
Tin mới cập nhật
WordPress Ads